../

Leonard Micheals Viết Về Bản Thân

Leonard Michaels : Viết về bản thân [Lược dịch từ quyển “The Essays of Leonard Michaels” (2009) đăng trên FSG | Work in Progress]


Chẳng có gì dễ hơn là bàn về cách tôi viết về bản thân, nhưng tôi không thấy việc ấy hoàn toàn dễ dàng. Đương nhiên, khi viết về bản thân, ngay khi đang viết câu này, tôi gặp phải một vấn đề đáng bàn. Rằng làm thế nào để không chỉ viết về mỗi mình tôi. Vấn đề đặc hữu này có rất nhiều ở những tay viết mặc cho họ có nhận ra hay không. Lối dùng từ, ngữ pháp, giọng văn, hình tượng, nhịp điệu của câu văn khi được đọc - Những yếu tố căn bản của việc viết này thể hiện ra rất nhiều về tính cá nhân của người viết. Vậy nên đôi lúc người viết đã vô tình viết về họ trước khi họ nghĩ đến việc đó. Mặc cho chủ đề viết là gì, những yếu tố căn bản trên và vô vàn những đặc tính không thể đo lường của tâm trí khác đều đang định hình lối viết và khiến sự hiện diện của bạn trở nên đặc thù như chính chữ viết của bạn vậy. Bạn luôn viết tên của mình trong đầu trước khi bạn thực sự cầm bút viết trên giấy và viết lại đúng cái tên đó. Spinoza viết quyển Ethics (Đạo đức học) bằng tiếng Latin, thứ ngôn ngữ mà không còn ai sử dụng nữa. Trong quyển sách ấy, ông sử dụng những phương pháp lập luận logic rõng ràng, và thứ mà ông ấy ít muốn làm nhất là khiến sự hiện diện của ông được nhìn thấy, hay nói cách khác, là viết về bản thân ông. Nói đúng hơn, cách ông viết quyển Ethics cũng giống như cách ông sống vậy, ông lặng lẽ trong sự cô tịch, che giấu danh tính của ông khỏi thế giới bên ngoài. Sự vắng bóng tính cá nhân của quyển Ethics của ông bởi thế mà lại thể hiện cá nhân ông nhiều hơn. Quyển Ethics chỉ được xuất bản sau khi ông chết, một phần có lẽ bởi nếu vậy, danh tính của ông sẽ không bị gán vào quyển sách ấy. Bởi trong sự cô tịch, ông không cần được ai khác công nhận ngoài chính mình.

Shakespeare ít thể hiện tính cá nhân của ông trong những tác phẩm, thế nhưng đa số người đọc đều có thể nhận biết lối viết đặc thù của ông, hoặc đoán được ông đã định viết gì. Những bản sonnets đầy lòng tâm sự của ông được đặc trưng bởi những đoạn thơ tứ tuyệt, câu đối, chơi chữ và nghịch lý, những cấu trúc văn chương mà không hề toát lên tính cá nhân. Một điều cũng thú vị không kém, là Shakespeare không bao giờ lặp lại một cách ký tên, như thể ông cho rằng chữ ký của một người không nhất thiết phải thể hiện nhân cách của người đó. Một chữ ký cụ thể chỉ đơn giản là một vật thể riêng biệt. Montaigne từng bàn trong tiểu luận của ông rằng “Sách tôi viết làm nên tôi cũng nhiều như cách tôi viết nên sách”. Có lẽ ý ông là việc viết đã phản ánh lại chính ông, và sự phản ánh ấy đôi lúc diễn ra trong những lúc ta không chú tâm đến. Ông liên tục khám phá bản thân mình một cách vô tình qua những cuốn tiểu luận ông viết. Bởi lẽ thông qua việc viết mà tính cá nhân của một người, dù muốn hay không, cũng đều được thể hiện ra. Như một dấu vân tay, hoặc còn đặc thù hơn nữa, là như một khuôn mặt vậy. Theo như các chuyên gia, một người có thể được nhận dạng chỉ bằng tám vùng cụ thể trên khuôn mặt. Nét mặt của một người cũng độc nhất như chính lối viết của người đó vậy.

Có một đêm mưa vào nhiều năm về trước, tôi cùng một người bạn đến jazz club tên Basin Street tại Greenwich Village để nghe nhóm tứ tấu của Miles Davis chơi nhạc. Có một nhóm thính giả nhỏ đang tập trung nghe. Đến một lúc sau khi họ vỗ tay, Davis Miles bắt đầu quay lưng về phía khán giả mỗi khi ông chơi đến màn solo. Tôi không hiểu ông làm thế vì điều gì, dường như hành động quay lưng đã tách rời bản thân ông ra khỏi giai điệu, như thể ông muốn nói “Tôi không có ở đây đâu, đừng nhìn, hãy nghe đi”. Ông dạy cho thính giả chúng tôi làm sao để cảm thụ âm nhạc, hay nghệ thuật nói chung. Khi ông quay lưng, âm nhạc bỗng mang tính cá nhân.

Một giáo sư toán học ở đại học Berkeley từng kể tôi rằng, khi đang đọc một bài báo về tên Unabomber [biệt danh của tội phạm khủng bố/thiên tài Ted Kaczynski], ông chợt nhận ra hắn từng là sinh viên của mình. Ông tra tệp hồ sơ và xem qua báo cáo nghiên cứu của hắn. Ông bảo “B/B+. Toán học không thể được diễn đạt hay phản ánh danh tính người viết như cách chúng ta diễn đạt con người. Thế nhưng tên Unabomber này đã bộc ra nhân cách của mình kể cả trong những phương trình toán học thuần túy nhất. Với góc nhìn của một nhà toán học, tôi cho bài báo cáo B/B+ là vì tay viết.”

Tôi cho rằng mọi người, dù ít hay nhiều, đều nêu danh bản thân mỗi khi họ viết, và cũng bởi thế mà họ cũng luôn viết về bản thân. Khi ai đó hỏi bạn thường viết trên giấy, máy đánh chữ hay máy tính, là bởi họ đang muốn biết lối viết của bạn mang nặng tính cá nhân đến đâu. Ngay cả khi ta viết trong kỷ nguyên công nghệ, khi việc thể hiện bản thân thông qua chữ viết tay đang dần ít hơn, lối viết và cách dùng từ của một người vẫn hiện diện qua màn ảnh số. Một ví dụ tương tự mà tôi muốn làm rõ là việc gọi điện thoại. Giả sử bạn đang trả lời một cuộc gọi, bên kia đầu dây là giọng nói đã chưa được nghe từ rất lâu, giọng nói cất lên tên của bạn, hay thậm chí chỉ là một từ xin chào, và ngay lập tức bạn trả lời lại “Dì Molly đấy à? Đã lâu rồi dì chưa gọi điện”. Cũng có một câu đùa tương tự: Điện thoại reo. Molly trả lời “Xin chào” và người đàn ông nói: “Molly, anh biết đấy là em và anh biết em muốn gì, anh sẽ qua đón em và làm mọi trò vui với em trên sàn nhà”. Molly nói “Anh biết hết chừng đấy thứ chỉ qua một câu xin chào thôi ư?”

Danh tính còn được thể hiện ra qua một cách khác: khi thấy một bức tranh bạn chưa thấy bao giờ và bạn nói bức tranh này giống của Hokusai, Guercino hoặc Cranach. Với những cái tên bạn vừa tuyên bố ra, bạn đã nhận thấy được nét đặc trưng của bức ảnh. Sự tồn tại của con người, tạm chưa tính đến sự hiện diện của danh tính, đã là một tuyên ngôn, đã gần như là một cái tên. Danh tính người dì Molly bé nhỏ của tôi được tuyên bố không khác gì so với họa sĩ vĩ đại Hokusai. Adam trong kinh thánh được yêu cầu đặt tên cho muôn thú, nhưng làm sao ông có thể làm được nếu không biết được đặc thù được toát lên của từng loài? Bởi thế mà khi nhìn vào, ông thấy con thú này nên được gọi là Sư Tử, và loài này chỉ nên được gọi là Lợn. Đối với quan sát của tôi, trong trường hợp các loài vật, cái tên mang tính tập thể hơn tính cá nhân. Nếu một loài vật có thể tự đặt tên cho chúng, chúng sẽ đặt cả ngàn lần như một. Sự tồn tại được định hướng bằng những cái tên.

Dấu câu, ngữ pháp, hình tượng, giọng nói của một người bên đầu dây điện thoại, hình dáng của con vật - chỉ cần có bất kỳ một đặc hữu nào, thì cái tên của sự tồn tại đó sẽ được tuyên bố. Điều này vẫn đúng kể cả khi con người không nhận ra được đặc hữu ấy. Chúa phán “ta là chính ta” và không tự cho mình cái tên, cái tên chỉ có khi ta phủ định sự tồn tại (via negativa). Cũng giống như Spinoza đã nói, thực thể (substance) chỉ được cảm nhận bên trong và thông qua chính nó. Còn đối với con người chúng ta và tất cả những sự vật hữu hạn khác ngoài kia, chúng ta chỉ là những dạng thức (mode) của những thực thể, và đến cuối cùng cũng chỉ “quay vòng đều mãi một nhịp điệu ban ngày giữa quả đất với đá và cây”. Vần thơ đau thương này được trích từ tác phẩm mang nặng tâm tư của nhà thơ Wordsworth về một cô gái không tên. Điều khiến bài thơ này đáng nhớ đến vậy, là bởi Wordsworth viết về cô gái như là một chủ đề chính để hướng mọi tầng cảm xúc tuyệt vọng về chính ông. Ta hoặc là những cái tên hoặc là chẳng ai cả. Ta nói đến Henry Đệ Tứ hoặc John Smith đệ tam cũng chỉ là để nói rằng cái tên đã và đang tiếp tục trở nên chính nó - Henry đời thứ tư và John Smith đời thứ ba.

Có lần tôi viết một mẩu chuyện mà trong đó có một đoạn trích từ chủ đề của một sinh viên lớp tôi. Người sinh viên viết: “Karl Marx, bởi tên ông là thế…”. Như thể đấy là cha của Marx đang tuyên bố với vợ ông vậy “Anh đã quyết định sẽ đặt tên cho con là Marx”, và vợ ông nói “Không, không, tên gì cũng được ngoài Marx”, và thế người chồng nói “Anh e là chẳng còn lựa chọn nào khác, bởi đấy sẽ là tên của con”.

Vì nhiều lý do mà tôi chưa hiểu rõ, mặc cho chúng có thể đã quá rõ ràng với nhiều người đọc vào lúc này, rằng từ trước đến nay tôi thấy việc viết về bản thân luôn là khó nhất. Tôi luôn biết chắc rằng viết về bản thân sẽ luôn đi kèm việc viết về người khác, và sẽ có lúc tôi sẽ vô tình làm mất mặt hoặc tổn thương ai đó. Trong sách Torah của Do Thái giáo, đây là một tội trọng. Sau khi chết mọi người sẽ xuống luyện ngục Gehenna, và chỉ có những ai đã “không bẽ mặt người khác” mới có thể quay trở về. Canterbury là một trong học trò ưu tú và đáng mến nhất của tôi. Cậu muốn tôi hướng dẫn luận án cho cậu. Tôi nói cậu nên nhờ đồng nghiệp của tôi, anh ta là học giả phê bình có tiếng, có nhiều mối quan hệ và có thể giúp cậu kiếm được việc làm. “Không”, Canterbury muốn tôi làm người hướng dẫn. Cuối cùng tôi đồng ý. Canterbury soạn một bài báo cáo xuất sắc và tiếp tục phát triển ngòi bút có triển vọng của mình thêm nữa. Cậu quay về West Virginia quê nhà của cậu và xây dựng sự nghiệp chính trị của mình ở đấy. Cũng như Miles Davis, cậu sẽ luôn quay lưng về phía khán giả, những người như tôi. Canterbury muốn che dấu tính riêng biệt (individual distinction) để đạt được thành tựu chỉ cho riêng mình. Trước khi cậu đi đến West Virginia, tôi nhờ cậu tìm một món đồ nghề thủ công, một chiếc rìu lưỡi vòm và đem nó đến cho tôi khi cậu quay lại California. Khoảng sáu tháng sau cậu đưa đến cho tôi thứ đồ nghề trong quyển As I Lay Dying để đóng mộ ấy. Tôi lấy thế mà cảm động. Hai người chúng tôi đã là bạn hữu thay vì là thầy trọ của nhau.

Khi đang còn viết quyển The Men’s Club, tôi thấy cái tên Canterbury là quá thích hợp cho một nhân vật trong đấy. Tay nhân vật này trông không khác gì Canterbury ngoài đời, nhưng tính cách thì hoàn toàn trái ngược. Bạn tôi Canterbury lại cảm thấy quá bất ngờ. “Vậy là thầy nghĩ em là người như vậy sao?”. Làm sao tôi lại làm vậy với cậu được chứ? Cậu nhắc mãi việc này với tôi, về những gì tôi làm đến cậu. Đến nỗi tôi không chắc cậu có thực sự nghiêm túc.

Khi viết về bản thân, tôi thường sẽ đổi tên những người tôi bàn về. Đôi lúc, khi viết những gì vô hại hoặc muốn tỏ thiện ý với ai đó, tôi sẽ xin phép họ sử dụng tên thật. Một tay viết bạn của tôi và cũng là trò cũ của tôi cảm thấy việc dấu tên khi viết về bản thân cô là không thể, mặc dù làm vậy hay không không hề ảnh hưởng đến doanh số bán sách của cô. Cô chỉ đơn giản là không thể khiến mình thay đổi tên trong sách được. Và kết quả là nhiều người bị tổn thương và quan hệ gia đình của cô bị hủy hoại mãi mãi. Có gì đó đáng sợ ở việc nhìn thấy tên mình được nhắc đến trong sách báo. Với một số người như tôi, nó cũng gây ám ảnh như khi bị người khác thấy mình trong một bức hình vậy. Kể cả khi viết về mình tôi, tôi chỉ miễn cưỡng đem tên mình ra khi không còn lựa chọn nào khác. Viết ra cái tên “Leonard” hoặc “Lenny” khiến tôi sởn gai ốc.

Tôi đoán tôi biết tại sao cô học trò lại sử dụng tên thật mặc cho những mối quan hệ bị hủy hoại sau đó. Qua kinh nghiệm viết về bản thân, mỗi khi phải bịa ra một cái tên cho những người thật quanh tôi, tính nghiêm túc dường như đã bị mất đi, rồi tôi sẽ tự dằn vặt và cảm thấy mọi thứ trông như một trò lừa, kể cả khi mọi thứ - trừ một vài cái tên - đều là thật. Mong muốn hướng đến sự thật được hằn sâu bên trong chính sự tồn tại của ta như cách hình dáng của đôi mắt được hằn sâu trong genes vậy, và sự thật thì lại muốn được thoát ra. Bạn của tôi đã phải dấu đi những cái tên trong sách cô viết nhưng không thể. Cô bị ám ảnh bởi sự liêm chính đặt sai chỗ. “Tôi sẽ chỉ viết sự thật và không gì khác. Những cái tên sẽ là tên thật”. Người ta thường trả lời “Nhưng tôi đang nói sự thật” khi bị tố giác trong những lúc tám chuyện và chê bai, như thể đó là một lời biện hộ vậy.

Một lý do khác khiến tôi khó có thể viết về bản thân, ngoài việc phải kể đến người khác, là về bản chất cốt lõi của việc viết. Như Freud đã nói, “Chữ viết là ghi chép của một người vắng mặt”, đấy là một ý tưởng tóm tắt của những gì Socrates từng nói về việc không viết. Ông nói, nếu không có gì để nói, anh phải có mặt để trả lời câu hỏi của khán giả, bởi sự thật thì khó có thể nào nắm bắt và chỉ thoáng chớp xuất hiện như một tia lửa khi ta thực hành biện chứng. Trong lá thư số bảy của Plato, ông tiếp tục bàn về những điều phù phiếm không tránh khỏi khi thực hành sự viết. Ông nói rằng chẳng có định nghĩa của sự điên cuồng nào hay hơn việc một người muốn đi viết sự thật, thứ sự thật mà họ tưởng là họ biết.

Cách mà Freud làm rõ lại ý của Socrates, “Ghi chép của một người vắng mặt” là một ý tưởng vô cùng khơi gợi. Nếu bạn vắng mặt khi viết, thì hẳn bạn cũng phải vắng mặt khỏi sự vắng mặt khi bạn viết về bản thân. Tôi vẫn đang còn phải làm rõ lại định nghĩa của sự có mặt khi viết về bản thân với quan điểm của Socrate-Freud về sự vắng mặt của chính sự viết này. Có một câu đùa về sự phức tạp của việc đồng thời có mặt và không có mặt:

Nhà vua và thuộc hạ của ông đang săn hươu trong rừng hoàng gia. Một tên săn trộm đang ở đấy, thấy họ tiến đến và hoảng sợ. Y trốn vào một bụi cỏ mà khóc “Tôi không phải là hươu”, và thế là nhà vua bắn y. Một tên thuộc hạ hỏi “Nhưng thưa bệ hạ, hắn đã nói ‘tôi không phải là hươu rồi mà.’ ” Nhà vua mới tự vã tay lên trán và nói “Thế mà ta cứ tưởng hắn nói ‘tôi là hươu.’ ”

Khi viết bất cứ thứ gì, sự vắng mặt và có mặt của tôi đang mâu thuẫn nhau. Sự mâu thuẫn ấy lại càng căng thẳng hơn khi tôi viết về bản thân. Điều tệ hơn nữa là, sự căng thẳng này khiến lối viết của tôi không giống với xu thế nữa, bởi bây giờ những tay bút ngoài việc viết về bản thân, họ sẽ thường viết về hiện tại nhiều hơn, thậm chí là viết những thứ đang còn quá nhất thời. Nhiều tay bút không biết phải viết về gì ngoài những thứ đang thuộc hiện tại. Trước giờ chưa bao giờ có thứ lối viết quá bộc trực thế này. Và tác động của chúng cũng tựa như phim khiêu dâm vậy - không phải vì kích thích tình dục, mà bởi lối viết bộc trực như vậy thường hóa ra lại thiếu tính cá nhân.

Tôi e là, cách tôi viết về bản thân hay bất cứ gì khác, là tôi sẽ chỉ luôn viết cho đậm tính cá nhân. Bởi vậy tôi phải luôn chọn một cách viết phù hợp. Màn độc thoại kinh điển của Hamlet là một ví dụ của việc vừa viết cho đậm tính cá nhân và vừa tìm một cách thức viết phù hợp. Trong đấy chàng suy tư về việc tự vẫn và thốt “Sự tình đã đưa đến nỗi này”. Đối nghịch với Hamlet, một nhân vật đương thời trong trường hợp này có thể sẽ chỉ nói “Thật kinh ngạc”, hoặc những câu cảm thán tương tự nào đó.

Hamlet và một nhân vật tiểu thuyết đương thời khác nhau không chỉ ở việc Hamlet sử dụng thức giả định (subjunctive mood), mà chàng còn đang xây dựng một cầu nối giữa tác giả đến người đọc. Khi Hamlet thốt “Sự tình đã đưa đến nỗi này”, chàng nhận ra được hai bầu không khí hãi hùng xung quanh chàng. Một bầu không khí là của sự liêm chính, và bầu không khí còn lại là của sự cấp bách. Thức giả định ở đây là thứ hình thái ngữ pháp (grammatical form) giúp bộc bạch ra tâm tư của chàng trong bối cảnh độc thoại này. Và để làm được như vậy, Hamlet cũng khiến bản thân mình vắng mặt trong câu văn cũng giống như cách Miles Davis quay lưng về khía thính giả.

Còn khi một nhân vật tiểu thuyết đương thời thốt câu “Thật kinh ngạc”, người đọc không nhìn thấy những tâm tư phía sau mà chỉ bị dính chặt vào một cảm xúc đơn thuần, và mọi sự cảm thán đó đều bị khóa chặt trong một câu “Thật kinh ngạc”. Cách diễn đạt này quá tham vọng, nó phụ thuộc vào những cảm xúc lộ liễu để rồi phai mờ nhanh chóng sau đó. Tôi cho rằng đây là một vấn đề đặc hữu của lối hành văn đương đại nói riêng và văn hóa đương đại nói chung. Nó bằng cách nào đó cũng liên quan đến văn hóa tư bản, ta liên tục bị phơi bày trước mặt hình ảnh về những thứ mà ta không thể có, những gương mặt và vóc dáng đẹp, tiền của, ngôi sao, quyền lực và tình yêu - những thứ mà gần như ai cũng muốn sở hữu.

Thơ Haiku, một thể thơ ba câu và mười bảy âm tiết và thường tả về nhiên nhiên, thể thơ này đem đến một cầu nối giữa chính nó đến với tâm can người đọc và viết. Tôi không viết được Haiku, nhưng khi viết về bản thân, tôi cảm nhận được nỗi thúc dục phải viết làm sao cho thật ngắn gọn và đầy đủ. Đây là ý muốn của tôi khi viết quyển Time Out of Mind, một tuyển tập hồi ký được viết trong hơn ba mươi năm. Trong đấy, tôi nói về bản thân nhiều hơn bất kỳ thứ gì khác. Lối viết của tôi ám chỉ nhiều hơn là giải thích, và bởi thế tôi cũng nói ít hơn. Một mục tôi viết vào ngày 12–12-1993 tại Hawaii có thể được làm ví dụ:

Tiếng chim hót đánh thức tôi dậy, nghe như những cái tên, như những hàng nối dài giữa màng sương bình minh, chúng đứng yên, chờ được gọi, như những cái tên.

Bối cảnh cho đoạn văn trên đã được lược bỏ. Tuy vậy người đọc vẫn có thể đoán rằng chúng ít nhiều liên quan đến nội dung của những mục trước đó mặc dù nhiều cuộc hội thoại hoặc chi tiết tự truyện của người viết chưa được đưa ra. Tôi không kể tôi thức dậy bên cạnh cô bạn gái của cô, một người nhỏ hơn tôi 27 tuổi và sẽ sớm bỏ tôi, tôi biết vậy, cơ mà tôi không biết cô đã bỏ tôi để cặp với một tên doanh nhân.

Tôi cùng bạn gái đi đến Hawaii, đến bờ biển Puna của đảo Big Island. Bọn tôi ở trong một túp lều đơn sơ nhưng thanh lịch trên đất của một người họa sĩ. Túp lều không có cửa sổ, bên trong căn chòi tôi cảm nhận được sức sống dồi dào từ bên ngoài, những hàng cây, thời tiết, ánh sáng, ở đấy còn có ba người thanh niên. Có một anh thường xuyên ho suốt đêm, anh, và cùng vài người khác ở vùng này mắc phải AIDS. Tường bên trong phòng của bọn tôi chỉ là một tấm ván gỗ mỏng. Nghe thấy tiếng người thanh niên ho và biết chắc rằng bạn gái sẽ bỏ tôi là hai yếu tố chính của mục hồi ký đấy, và một người đọc có thể cảm nhận được sự hiện diện nhè nhẹ của hai yếu tố này trong nhiều mục khác. Tôi không nói tuổi trẻ của cô không khiến tôi thấy trẻ hơn, mà ngược lại mới đúng, và tôi cũng không nói rằng tiếng ho thâu đêm khiến tôi thấy thương tâm và chạnh lòng khi biết rằng sớm thôi cô sẽ rời xa tôi. Tôi không nói rằng lúc bắt đầu yêu cô đã hứa sẽ không bỏ tôi. Tôi không nói rằng tôi tự thương hại mình, mà thay vào đó tôi trĩu nặng một nỗi u sầu. Tôi chỉ nói rằng tiếng chim hót và những hàng cây như những cái tên. Tôi ngắm hàng cây lộ ra từ sương mù và nghe tiếng chim hót. Tôi thấy choáng ngợp ngợp bởi sự lặp đều của vạn vật, tôi thấy được nỗi buồn bên trong cách mỗi sự vật đều đang cố ngoi lên, kêu lên tên của chúng để phân biệt lẫn nhau giữa một biển rộng của cuộc đời vô định.

Tôi không viết nhiều trong quyển hồi ký ấy. Khi viết về bản thân, tôi thấy hứng thú hơn trong việc diễn đạt những giá trị của hình thức và hình thể và mối quan hệ giữa chúng với cá nhân tôi hơn là việc tôi kể ra hết về đời sống cá nhân.


Original title: Leonard Micheals - Writing About Myself