../

David Foster Wallace This Is Water

Dịch từ bài diễn văn của David Foster Wallace (tác giả của cuốn Infinite Jest) vào năm 2005 trong buổi lễ phát bằng tại trường đại học Kenyon, Mỹ.


Kính chào quý phụ huynh và xin chúc mừng các bạn sinh viên tốt nghiệp niên khóa 2005 của trường Kenyon.

Có hai chú cá con đang bơi cùng nhau vào một ngày nọ thì chợt gặp một chú cá già bơi ngược phía, cá già chào và nói “Chào buổi sáng mấy cu, hôm nay nước thế nào?”. Hai chú cá con tiếp tục bơi một hồi và cuối cùng một trong hai con quay con kia sang mà thốt “Nước là cái méo gì?”

Trên đây là văn mẫu điển hình cho một buổi diễn văn phát bằng tại Mỹ - Kể ra một câu chuyện dạy đời nho nhỏ. Câu chuyện trên tính ra cũng hay và đỡ nhảm nhí hơn mô-típ thông thường, nhưng nếu các bạn lo là tôi cố tình trình diện bản thân ra đây với tư cách là con cá già khôn ngoan để dạy dỗ cá con biết thế nào là nước, thì xin đừng. Tôi không phải là con cá già khôn ngoan. Cốt yếu của câu chuyện kia là về việc những sự thật hiển nhiên, quan trọng nhất lại thường là những thứ khó có thể nhận ra hay nói về nhất. Nói như trong tiếng anh, thì đương nhiên, điều này chỉ là một thứ hiển nhiên đến mức vô nghĩa, nhưng hóa ra trong suốt sự tồn tại ngày qua ngày dài hơi của người lớn, những điều hiển nhiên đến mức vô nghĩa này lại mang tầm quan trọng cực kỳ thiết yếu, có lẽ vậy mà tôi muốn khuyên bạn vài điều vào buổi sáng khô ráo dễ chịu hôm nay.

Đương nhiên yêu cầu chính của những bài diễn văn thế này là để tôi nói cho các bạn biết ý nghĩa của giáo dục nghệ thuật khai phóng, giải thích tại sao tấm bằng mà các bạn sắp nhận được còn đem lại giá trị nhân văn trong đó chứ không chỉ là sự đối đãi vật chất. Thế nên hãy nói về thứ sáo rỗng rập khuôn (cliché*) nhất trong những diễn văn phát bằng nào: đó là việc giáo dục khai phóng không phải lúc nào cũng nhồi sọ vào bạn đầy những kiến thức, mà là “dạy bạn cách tư duy”. Nếu các bạn cũng như tôi khi còn là sinh viên, bạn sẽ chẳng bao giờ thích nghe mấy thứ này, bạn thậm chí còn cảm thấy bị xúc phạm khi bị bảo rằng bạn cần được ai đó dạy cách tư duy, bởi sự thật rằng việc bạn được nhận vào trường đại học tốt thế này đã chứng minh rằng bạn vốn biết tư duy rồi. Nhưng tôi cho rằng thứ sáo rỗng rập khuôn về nghệ thuật khai phóng trên hóa ra cũng chẳng có gì xúc phạm cả, bởi điều cốt lõi của việc giáo dục tư duy không phải là giúp ta tăng sức mạnh tư tưởng, mà là giúp ta biết lựa chọn tư tưởng cho bản thân. Nếu bạn thấy vấn đề tự do chọn lựa tư tưởng quá hiển nhiên và phí thì giờ để bàn luận, thì tôi khuyên bạn thử ngẫm lại về cá và nước, và tự dành ra vài phút để tự chất vấn mình về giá trị của những thứ hoàn toàn hiển nhiên.

Sau đây là một câu chuyện dạy đời nữa. Có hai thanh niên đang ngồi quán bar tại một vùng hoang dã hẻo lánh ở Alaska. Một anh theo đạo, anh kia thì vô thần, và sau khi uống hết bốn chầu bia, cả hai tranh luận sôi nổi về sự tồn tại của Chúa. Anh vô thần nói: “Này, không phải là tôi không có lý do chính đáng để không tin vào Chúa. Không phải là tôi chưa từng trải nghiệm qua các thứ cầu nguyện với Chúa. Tháng trước đây thôi tôi bị bão tuyết thổi ra khỏi trại, tôi bị lạc và chẳng thấy được gì và trời thì dưới 50 độ F, thế rồi tôi thử: Tôi quỳ gối xuống tuyết và than khóc “Tôi, Chúa ơi, nếu Chúa có thật, con bị lạc trong bão tuyết, nếu Chúa không cứu con thì con chết mất.”” Và rồi, trong quán bar, anh theo đạo nhìn vào anh vô thần mà bối rối nói “Chà, thế anh phải tin rồi chứ, anh vẫn còn sống đây này”. Thế rồi anh vô thần té bổ ra, “Làm gì có ông, tất cả chỉ là có vài người Eskimo tình cờ đi qua và dẫn tôi về lại trại thôi”.

Phân tích theo kiểu nghệ thuật khai phóng điển hình sẽ khá dễ: Cùng một trải nghiệm có thể được nhìn nhận theo hai cách hoàn toàn khác nhau bởi hai người khác nhau, có cơ sở niềm tin và cách thức kiến tạo ý nghĩa khác nhau qua từng những trải nghiệm. Bởi ta luôn đánh giá cao sự đa dạng niềm tin và sự khoan dung lẫn nhau giữa chúng, trong cách phân tích theo nghệ thuật khai phóng ta sẽ không bao giờ khẳng định rằng cách diễn giải của anh nào là đúng còn của anh còn lại thì sai hoặc xấu. Việc đấy ổn thôi, có điều ta chẳng bao giờ bàn về cội nguồn của cơ sở niềm tin của những cá nhân từ đâu mà đến. Những ý nghĩa mà xuất phát từ BÊN TRONG hai anh. Chúng như những thiên hướng căn bản nhất của một cá nhân mà họ phóng chiếu ra bên ngoài thế giới, và những ý nghĩa của họ một cách nào đó đã vốn được mặc định, như chiều cao hoặc cỡ giày; hoặc chúng tự động phản ánh chính văn hóa (của họ), ví dụ như ngôn ngữ. Như thể ta không tự do tự ý kiến tạo nên ý nghĩa. Thêm nữa, ở đây còn có cả sự kiêu ngạo. Anh vô thần luôn quyết đoán và phủ định rằng khả năng cao là những người Eskimo đi ngang qua đó chẳng liên quan gì đến việc cầu nguyện. Và đúng vậy, cũng có cả đống người theo đạo quá kiêu ngạo và chắc chắn về cách diễn giải của họ luôn. Họ thậm chí còn trở nên khó chịu hơn những người vô thần, ít nhất là đối với phần lớn chúng ta. Nhưng vấn đề của anh theo đạo cũng y đúc như của anh vô thần trong câu chuyện: Đó là sự tin tưởng mù quáng - một tư duy hẹp hòi làm kìm hãm tâm trí đến mức khiến cho nạn nhân không hề nhận ra là bản thân bị cầm tù.

Ý ở đây là tôi nghĩ ý nghĩa thực chất của việc dạy tư duy một phần là khiến ta trở nên bớt kiêu ngạo hơn. Và một phần là khiến ta nhận thức một cách có biện chứng hơn về bản thân và những điều ta tin. Bởi phần lớn những gì tôi thường chắc chắn về chúng hóa ra lại hoàn toàn là sai lầm và ảo tưởng. Tôi đã học được điều này với cái giá rất lớn, và tôi cho rằng các bạn sinh viên tốt nghiệp cũng sẽ như vậy.

Đây là ví dụ về một điều sai lầm mà tôi thường luôn cho rằng là đúng trong vô thức: Mọi sự mà tôi trải nghiệm tức thời giờ đều hậu thuẫn cho niềm tin rằng tôi là trung tâm tuyệt đối nhất, chân thực nhất, sống động nhất và quan trọng nhất của vũ trụ. Ta hiếm khi nghĩ về thiên hướng luôn cho rằng bản thân là trung tâm bởi nó rất độc hại trong xã hội. Nhưng ai cũng đều như vậy cả, nó đã được mặc định, nằm thâm căn cố đế trong đầu từ khi ta được sinh ra. Nghĩ mà xem: không có trải nghiệm nào bạn từng có mà trong đó bạn không phải là trung tâm. Thế giới mà bạn trải nghiệm đều nằm trước hoặc sau BẠN, bên phải hoặc bên trái BẠN, trên TV của BẠN hoặc rô-mốt CỦA BẠN, vân vân và mây mây. Suy tư và cảm xúc của người khác phải được giao tiếp với bạn bằng một cách nào đó, còn những suy tư và cảm xúc của bạn thì đều được cảm nhận tức khắc và chân thực.

Xin đừng lo rằng tôi sẽ chuẩn bị giảng cho các bạn về lòng trắc ẩn hoặc thấu cảm hay những thứ đức hạnh tương tự vậy. Đây không phải là về vấn đề đức hạnh, mà là về việc lựa chọn xem bản thân có một cách nào đó từ bỏ hoặc giải phóng bản thân ra khỏi những cài đặt mặc định trong đầu, thứ mà khiến cho ta luôn nhìn nhận bản thân là trung tâm theo đúng nghĩa đen và nghiêm trọng, và nhìn thấy và diễn giải mọi thứ thông qua lăng kính này. Những người điều chỉnh (adjust) được những cài đặt (setting) bản năng này được gọi là “điều-chỉnh-tốt” (well-adjusted) , tôi cho rằng từ này không tự nhiên mà được gọi là vậy đâu.

Trong bối cảnh tại một môi trường học thuật chất lượng này, câu hỏi hiển nhiên sẽ là bao nhiêu kiến thức hay trí tuệ mới đủ để ta điều chỉnh được những cài đặt mặc định này. Câu hỏi này rất nan giải. Có lẽ điều nguy hiểm nhất của việc học hàn lâm - ít nhất là đối với trường hợp của tôi - là nó khiến tôi có xu hướng tri thức hóa mọi thứ, để rồi bị kẹt trong những cuộc tranh luận trừu tượng trong đầu tôi, thay vì chỉ cần đơn giản chú ý xem những gì đang diễn ra trước tôi, thì tôi lại chú ý xem những gì đang diễn ra bên trong tôi.

Tôi chắc rằng các bạn đã biết, việc trở nên cảnh giác và chú tâm, thay vì mê mẩn mãi bởi những tràn độc thoại liên miên trong đầu (mà có lẽ đang diễn ra ngay bây giờ), là cực kỳ khó khăn. Hai mươi năm sau khi tôi tốt nghiệp, tôi đã dần nhận ra những điều sáo rỗng rập khuôn (cliché) của nghệ thuật khai phóng về việc dạy cho ta biết tư duy thực ra là lối tắt giúp ta tiếp cận một tư tưởng sâu sắc hơn nhiều: học cách tư duy thực chất là học cách kiểm soát bản thân về “những gì ta nghĩ” và “cách ta nghĩ”. Nghĩa là trở nên đủ ý thức để lựa chọn xem bạn sẽ lưu tâm những gì và kiến tạo ý nghĩa từ những trải nghiệm đó ra sao. Bởi nếu bạn không thực hành việc lựa chọn này khi vào đời, bạn sẽ toang ngay. Thử ngẫm vễ câu cliché này “trí óc xuất sắc trong việc hầu hạ nhưng tệ trong việc làm chủ.”

Câu cliché này, cũng như nhiều câu khác, thật vô vị và nhàm chán ở vẻ bề ngoài, nhưng lại chứa trong đó một sự thật khó chịu. Không phải ngẫu nhiên mà những ai tự tử gần như lúc nào cũng bắt vào họ ở: trên đầu. Họ bắn vào tên chủ nô tồi tệ. Và sự thật là phần lớn những người tự vẫn vốn đã chết từ lâu trước cả khi họ kéo cò súng.

Và tôi phải thừa nhận rằng đây mới là giá trị thực sự, không nhảm cứt của việc học nghệ thuật khai phóng của các bạn: là để cuộc sống người lớn thoải mái, giàu sang, đáng trân trọng của bạn không trở nên chết queo, vô ý thức và là một tên nô dịch của trí óc và của cài đặt mặc định trong đầu về việc tự cho mình là độc nhất, hoàn toàn và tuyệt đối cô độc ngày qua ngày. Điều đó nghe có vẻ như hơi cường điệu, hoặc trừu tượng đến mức vô nghĩa. Mà thành thật đi nào, rằng những bạn sinh viên đã tốt nghiệp ở đây còn chẳng biết rằng “ngày qua ngày” thực sự nghĩa là gì. Có phần lớn cuộc sống của người Mỹ mà chẳng ai nói đến vào những buổi diễn văn phát bằng, một trong số đó là sự nhàm chán, khuôn khổ và những bực mình khó chịu. Những bậc phụ huynh và các bác lớn tuổi ở đây hiểu rõ ý tôi nói quá rồi còn gì.

Ví dụ cho dễ hiểu, giả sử như vào một ngày bình thường của người lớn, bạn thức dậy vào buổi sáng, đi làm công việc văn phòng căng thẳng mà bạn kiếm được nhờ bằng đại học, và bạn làm việc siêng năng suốt chín mười giờ liền, tới cuối ngày bạn mệt đừ và căng thẳng một phần, bạn chỉ muốn về nhà ăn tối rồi thư giãn tầm một giờ và sau đó đi ngủ sớm bởi vì, đương nhiên, bạn phải dậy sớm ngày mai để lặp lại chu kỳ. Nhưng rồi bạn chợt nhớ ra ở nhà không có đồ ăn. Tuần này bạn chưa mua sắm đồ ăn bởi bạn túi bụi làm việc, và rồi sau giờ làm bạn phải vác mông vào xe và lái tới siêu thị. Vào cuối ngày làm việc nên giao thông ắt phải rất tệ, thế nên việc tới cửa hàng tốn nhiều thời gian hơn bình thường, và khi bạn tới đó rồi, siêu thị ở đây đông nghẹt người, bởi vì đương nhiên cuối ngày làm việc rồi thì tất thảy những người khác cũng cố chen chúc vào mà mua đồ. Và rồi cửa hàng thì sáng lòe loẹt và ngập sặc tiếng nhạc vô hồn hoặc nhạc siêu thị, cứ như là nơi mà có chết bạn cũng chẳng muốn tới nhưng bạn chẳng thể vào siêu thị rồi thoát ra cho nhanh được; bạn phải lang thang quanh các gian hàng to tướng sáng chói khó hiểu để tìm thứ mà bạn muốn và phải lê cái xe đẩy phải gió qua những con người mệt mỏi vội vàng khác (vân vân và mây mây, lược giản các thứ vì ngày lễ hôm nay đã dài lắm rồi) và rồi cuối cùng bạn cũng mua được đồ ăn cho bữa tối, có điều bây giờ hóa ra lại chẳng có đủ hàng người để đợi thanh toán mặc dù đã là đợt-cao-điểm-cuối-ngày rồi. Thế rồi hàng người đợi thanh toán dài kinh khủng, trông thì ngốc nghếch mà còn gây ức chế. Nhưng bạn đâu thể xả cơn giận vào cô nhân viên thanh toán, người mà phải làm quá giờ cho cái công việc nhàm chán và vô nghĩa còn hơn cả sức tưởng tượng của bất kỳ ai trong chúng ta tại ngôi trường đại học danh giá này.

Nhưng mà rồi cuối cùng cũng tới lượt bạn, bạn thanh toán đồ ăn, và được cô kia “chúc một ngày vui vẻ” với giọng điệu chẳng thể nào thiếu sức sống hơn. Rồi sau đó bạn phải đem mấy túi nhựa mỏng manh và gơm gớm lên chiếc xe đẩy mà cứ bị chạy lệch về phía bên trái một cách khó chịu, bạn dắt xe qua hết bãi gửi xe nhấp nhô, đầy rác và đông nghẹt, và rồi bạn phải chạy thẳng về nhà khi giao thông đang chậm chạp, nặng nề và có đầy nghẹt xe bán tải vào giờ cao điểm vân vân và mây mây.

Đương nhiên là ai cũng đã từng trải qua việc này. Nhưng nó vẫn chưa là một phần của cuộc sống ngày qua ngày qua tháng rồi qua năm của các bạn sắp tốt nghiệp đây.

Nhưng rồi nó cũng sẽ thôi. Cùng với hàng tá thứ ảm đạm, khó chịu và vô nghĩa khác nữa. Nhưng ý của tôi không chỉ có vậy. Ý của tôi là những tình huống khó chịu vô nghĩa này sẽ là nơi mà việc biết chọn lựa sẽ phát huy tác dụng. Bởi vì chờ tắc đường và chờ tới lượt mua đồ cho tôi vài thời gian rảnh để suy nghĩ, nên nếu tôi không ý thức lựa chọn xem mình sẽ nghĩ và tập trung về điều gì, tôi sẽ thấy ức chế và khổ sở mỗi lần đi mua đồ mất thôi. Bởi vì cài đặt mặc định bản năng của tôi khiến tôi khăng khăng rằng những tình huống thế này đều xoay quanh mình tôi. Về cái đói CỦA TÔI, cái mệt CỦA TÔI và mong muốn về nhà sớm CỦA TÔI, và khiến tôi nghĩ rằng mọi người trên đời này đều cản đường tôi. Và các người là ai mà cản đường tôi chứ? Và trông cả đống các người kinh tởm làm sao kìa, và những người xếp hàng chờ thanh toán trông ngu ngốc như bò và vô hồn, và mấy cái người chen giữa hàng chờ thì nói chuyện vô duyên trên điện thoại. Thử nhìn xem chuyện này thật bất công cho cá nhân tôi làm sao kìa.

Hoặc, đương nhiên, nếu tôi đang trong trạng thái có ý thức đối với xã hội hơn, tôi có thể dành thêm thời gian để kinh tởm về đống xe bán tải to lớn và ngu ngốc đang chắn đường, chạy bằng thùng xăng 150 lít xăng một cách lãng phí và ích kỉ. Tôi còn có thể đi sâu hơn về sự thật rằng những chiếc xe có dán sticker yêu nước hoặc sùng đạo dường như lúc nào cũng là những chiếc xe lớn nhất, ích kỷ một cách kinh tởm nhất, được lái bởi những tên tài xế bất cẩn và hung hãn nhất [khán giả vỗ tay] - đây là ví dụ về cách làm sao để không nghĩ về mấy thứ này đó nhá. Và tôi có thể tưởng tượng được rằng con cháu của chúng ta sẽ khinh cha ông mình vì đã phí phạm nhiên liệu cho tương lai, và có thể còn làm toang luôn cả khí hậu, và thấy rằng chúng ta thật ngu ngốc ích kỷ và đáng kinh tởm như thế nào, và rồi xã hội tiêu dùng hiện đại thiệt là nhảm nhí, vân vân và các thứ.

Các bạn hiểu ý tôi rồi đấy.

Nếu bạn chọn cho mình cách nghĩ như trên khi đang đứng chờ tại siêu thị, thì ổn thôi. Phần chúng ta đều vậy. Có điều việc này thường quá đơn giản và tự động, đến mức nó trở nên không phải là lựa chọn. Nó là cài đặt mặc định của bản năng tôi. Nó là cách suy nghĩ tự động mà khi tôi đang trải nghiệm sự nhàm chán khó chịu của cuộc sống người lớn, sẽ khiến tôi vô thức, tự động tin rằng tôi là trung tâm của vũ trụ, và rằng những nhu cầu và tình cảm tức thời của tôi mới là thứ mà thế giới nên lưu tâm tới.

Vấn đề ở đây đương nhiên là: có rất nhiều cách khác để nhìn nhận trong những tình huống kiểu này. Trong khi đang tắt đường, không phải không thể rằng một trong số những tài xế trong các chiếc xe bán tải đang chắn đường tôi từng trải qua một vụ tai nạn xe cộ trong quá khứ, và rồi họ thấy việc lái xe quá đáng sợ nên bác sĩ tâm lý của họ phải khuyên họ nên mua một chiếc xe bán tải thiệt to và nặng để họ thấy an toàn khi lái. Hoặc có thể tài xế chiếc xe Hummer vừa mới ngáng đường tôi là một ông bố có con đang bị thương hay bị ốm đang ngồi trong xe, và ông ý đang cố đưa con đến bệnh viện, và ông ấy đang bận hơn, nguy cấp hơn tôi, chính tôi mới là người cản đường CỦA ÔNG.

Hoặc tôi có thể bắt bản thân xem xét khả năng rằng tất cả mọi người tại quầy thanh toán ai cũng đều chán chường và khó chịu như tôi, và rằng có lẽ một vài trong số họ còn có cuộc sống tẻ nhạt và khổ sở hơn tôi nhiều.

Lại một lần nữa, làm ơn đừng nghĩ rằng tôi đang khuyên răn các bạn, hay là tôi đang nói rằng các bạn nhất thiết phải nghĩ theo cách này, hay là kỳ vọng bạn tự động làm điều đó. Bởi vì (suy nghĩ vậy) khó lắm, phải có ý chí và nỗ lực. Và nếu bạn giống tôi, đôi lúc bạn sẽ chẳng thể nghĩ vậy được, hoặc đơn giản là chẳng muốn thôi.

Nhưng phần lớn thời gian, nếu bạn có đủ nhận thức để lựa chọn cách suy nghĩ cho bản thân, bạn có thể chọn cách nhìn nhận như thế này về bà cô thừa cân, đờ đẫn, trang điểm đậm đang mắng con của mình tại quầy thanh toán: Có thể không phải lúc nào cô cũng như vậy. Có thể cô đã ba đêm thức trắng để chăm cho ông chồng mắc ung thư xương đang sắp chết của vô. Hoặc có thể cô này đây là một nhân viên thu nhập thấp tại một trung tâm hành chính mà hôm qua đã thu xếp vài vấn đề pháp lý rườm rà cho người thân của bạn. Đương nhiên là những giả định trên có vẻ khó xảy ra, nhưng đâu phải là không thể. Rốt cuộc chúng cũng chỉ phụ thuộc vào cách bạn muốn nhìn nhận. Nếu bạn vẫn luôn chắc chắn về nhận định của bạn về thế giới hiện thực, và bạn vẫn luôn suy nghĩ dựa trên những cài đặt mặc định, thì bạn có thể, cũng như tôi, sẽ chỉ luôn cân nhắc đến những điều khó chịu và khổ sở. Nhưng nếu bạn thực sự biết cách tập trung chú ý, thì bạn sẽ biết rằng vẫn có những lựa chọn khác. Bạn sẽ biến trải nghiệm tại cửa hàng nóng nực, chậm chạp đông đúc trở nên không chỉ có ý nghĩa, mà còn thiêng liêng, nồng cháy như sức mạnh của vũ trụ đã tạo nên những vì sao: tình yêu, tình bạn, và sự hợp nhất kỳ diệu của mọi sự sâu thẳm trong ta.

Không phải là vì thứ kỳ diệu đó thực sự tồn tại một cách khách quan, mà là vì bạn có thể quyết định xem cách nhìn của bạn về sự việc.

Tôi cho rằng, giáo dục đúng nghĩa, và học cách thích nghi tốt, cốt yếu là để có được sự tự do này. Bạn tự do ý thức để quyết định xem thứ gì có ý nghĩa còn thứ gì không. Bạn tự do lựa chọn thứ gì để bản thân tôn thờ.

Bởi đây là một sự thật kỳ lạ nữa này: trong cái cuộc sống người lớn dài hơi này, chẳng bao giờ có khái niệm vô thần. Chẳng có gì là sự không-tôn-thờ. Ai cũng tôn thờ cái gì đó. Thứ tự do duy nhất ta có được là lựa chọn xem mình tôn thờ cái gì. Và cái lý do hợp lý cho việc chọn cho mình thần thánh hoặc thế lực tâm linh nào đó để tôn thờ - giả dụ như Jesus Christ, Allah, giả dụ như Yahweh, đức mẹ của người Wicca, Tứ diệu tế, hoặc một hệ thống luân lý bất biến nào đó - là bởi vì gần như những thứ khác mà bạn tôn thờ đều sẽ nuốt chửng lấy bạn. Nếu bạn tôn thờ đồng tiền và vật chất, nếu bạn cho chúng là mục đích của cuộc đời, thì bạn sẽ chẳng bao giờ có đủ hoặc cảm thấy có đủ. Đấy là sự thật. Tôn thờ thân xác và nhục dục thì bạn sẽ luôn thấy mình xấu xí. Để rồi khi thời gian làm bạn hao mòn, bạn sẽ chết trước khi cái chết thực sự đến. Ở một chừng mực nào đó, ai trong chúng ta cũng đều biết mấy thứ này cả rồi. Người ta ví chúng qua những huyền thoại, tục ngữ, những lời nói sáo rỗng, những dụ ngôn, biểu tượng; chúng là khung sườn của những câu chuyện vĩ đại. Mánh khóe ở đây là ta luôn nhìn nhận sự thật trước tiên thông qua ý thức.

Tôn sùng quyền lực, cuối cùng bạn sẽ cảm thấy yếu đuối và sợ hãi, rồi bạn sẽ cứ mãi mãi thèm khát quyền lực để xoa dịu cho nỗi sợ của mình. Tôn thờ tri thức, trở nên một con người thông minh đối với người khác, bạn sẽ cảm thấy mình là một kẻ ngu, một tên lừa đảo sắp bị phát giác. Nhưng cái đáng sợ về những hình thức tôn thờ này không phải là vì chúng độc hại hay tội lỗi, mà là bởi vì chúng diễn ra trong vô thức. Chúng là những cài đặt mặc định trong ta.

Chúng là những thứ tôn thờ mà bạn sẽ từ từ xa đà vào, dần dà, bạn vô thức trở nên kén chọn hơn về cách bạn nhìn nhận và định lượng giá trị của các thứ mà không hề nhận ra là mình đang làm vậy.

Và thứ mà bạn cho là thế giới thực sẽ không can ngăn bạn làm theo những cài đặt mặc định bên trong bạn, bởi đó là cái thế giới của đàn ông và tiền bạc, của quyền lực và sự tôn thờ bản thân đang cùng hò hát vui vẻ trong một hố nước của sự sợ hãi và tức giận. Văn hóa bây giờ của chúng ta đã khai thác những thế lực và mang lại cho ta sự thịnh vượng, thoải mái và tự do cá nhân đến mức đáng kinh ngạc. Sự tự do được làm bá chủ của vương quốc to bằng hộp sọ của ta. Sự tự do này được người ta đề cao. Nhưng đương nhiên còn có đủ thứ tự do khác nữa, và thứ tự do quý giá nhất lại là thứ mà bạn không được nghe nói nhiều ở ngoài thế giới to lớn của sự thèm khát và gặt hái… Thứ tự do quan trọng ở đây bao gồm sự chú tâm, sự nhận thức và kỷ luật, và trở nên thực lòng quan tâm và sẵn sàng hy sinh cho người khác hết lần này đến lần khác, ngày này sang ngày khác một cách tầm thường, không khoa trương.

Đó mới là sự tự do thật sự. Đó mới là có giáo dục, mới là biết cách tư duy. Còn ngược lại với nó là sự vô ý thức, sự cài đặt mặc định, sự chạy đua, theo đuổi trong vô vọng, sự giày nát tâm can về sự lời lỗ và vô vàn những thứ khác.

Tôi biết là điều này nghe chẳng vui vẻ hay tràn đầy cảm hứng lớn lao như một bài diễn văn mà người ta thường mong đợi. Thay vào đó, theo tôi, nó là về sự Sự Thật khách quan**, mà không có những điều hoa mỹ xuôi tai. Đương nhiên bạn có quyền thích nghĩ gì thì nghĩ. Nhưng làm ơn đừng quên mất thứ quyền đó đi như khi bạn quên mấy bài thuyết giáo chuyên đi phê phán của một ông giáo sư nào đó. Mấy thứ trên đây chẳng có gì liên quan đến đạo đức, tôn giáo, giáo điều hay những câu hỏi trừu tượng về sự sống sau cái chết gì cả.

Sự thật khách quan ở đây ý tôi là về sự sống TRƯỚC cái chết.

Sự thật khách quan ở đây là giáo dục thực chất chẳng liên quan gì đến kiến thức cả, nhưng lại liên quan hoàn toàn đến sự nhận thức cơ bản; sự nhận thức được những thứ có thật và thiết yếu, những thứ mà vẫn luôn xung quanh ta nhưng vẫn không thể nhìn ra được, mà khiến ta phải luôn tự nhủ trong đầu mình rằng:

“Đây là nước.”

“Đây là nước.”

Việc trở nên ý thức và tỉnh táo trong suốt cuộc đời người lớn là một việc cực kỳ khó khăn. Và thế là hóa ra câu nói sáo rỗng này thực chất không hề sai: giáo dục đúng thiệt là công việc của đời người. Và nó bắt đầu ngay từ: bây giờ.

Tôi chúc các bạn trên cả may mắn.


the original transcript can be found here: david foster wallace - this is water full transcript